Trần Phục Chính, hiệu Phi Hà, ngươi Huệ Châu (nay là Quảng Đông, Huệ Dương), sinh sống quãng niên hiệu Khang Hi đến Càn Long (1662-1795), y gia, đạo sĩ đời Thanh. Khi nhỏ ông theo học Dịch tượng, học thuyết Trình, Chu; sau đến La Phù Sơn xuất gia làm đạo sĩ. Vì tư nhỏ thể chất yếu, nhiều bệnh, nên lưu ý đến y thuật, chuộng học sách y cổ điển như ‘Nội Kinh’, ‘Thần Nông Bản Thảo Kinh’, từng vân du tứ xứ cứu nguy tế bần, hành y trên 40 năm. Ông tinh thông y học, đối với nhi khoa càng có sở trường. Niên hiệu Càn Long thứ 15 (1750), ông tập trung sách nhi khoa các đời, chọn nội dung thực dụng, kết hợp với kinh nghiệm của mình, biến thành bộ sách 'Ấu Ấu Tập Thành’ gồm 6 quyển nội dung bao quát (thiên) phú (thiên) bẩm, hộ thai sản, hộ anh (nhi) và các phương pháp chẩn đoán các loại bệnh của trẻ con, có luận có phương (thuốc), là một bộ sách trọng yếu về nhi khoa của Trung y. Về phương diện học thuật, ông có nhiều sáng kiến.
Ông phản đối học thuyết, ‘tiểu nhi thuộc thể thuần dương’; từ trước các sách viết về môn nhi khoa học đều có lập luận cương hữu dư, âm bất túc’ đối với tiểu nhi, ngộ nhận anh nhi là một đoàn dương hỏa, vì đó mà khi dùng thuốc phần nhiều dùng loại hàn lương làm cho thương tỳ bại vị (lá lách và dạ dày bị tổn thương), gây nên họa hại lớn. Đời xưa, trẻ con bẩm phú đôn hậu ít bị bệnh; đời nay trẻ con có thân thể ốm yếu, càng không nên dùng thuốc hàn lương. Cho nên ông chủ trương tùy nghi ứng chế, chú trọng đặc biệt phép biện chứng luận trị, cực lực phản đối lạm dụng thuốc hàn lương.
Đối với phép luận thuật bệnh kinh phong của trẻ con, cũng đề xuất kiến giải không giống với tiền nhân. Ông nhận xét rằng, trong dĩ vãng, sách nhi khoa gọi là bệnh ‘kinh phong’, trên thực tế có loại do thương hàn gây ra là kính chứng (chứng giật tay chân), có loại do tạp bệnh gây ra là súc chứng (tay chân co rút), có loại do tinh khí kiệt tuyệt là thoát chứng; phép trị liệu cũng khác nhau tùy theo bệnh chứng . Nhân đó, ông phân chia bệnh kinh phong ra làm ba loại: ngộ súc, loại súc và phi súc, luận thuật rõ ràng, phát huy chỗ tiền nhân chưa phát huy. Ngoài ra, ông cũng có không ít tranh nghị với tiền nhân về phép xem chỉ tay của trẻ con để định bệnh, căn cứ trên kinh nghiệm cá nhân mà qui nạp: phù trầm phân biểu lý, hồng tử biện hàn nhiệt, đạm trệ định hư thực.
Chủ trương của ông đã được đa số y sinh lâm sàng áp dụng. Ông lại còn chủ trương chớ nên khinh suất cho trẻ con uống thuốc mà nên áp dụng phép trị tổng hợp, trị trong và trị ngoài hoặc dùng phép trị ngoài mà thôi. Ông đề xướng việc dùng một số phép ngoại trị giản tiện, mau có hiệu lực, đến nay vẫn có ý nghĩa hiện thực. Kiến giải độc đáo của ông về môn nhi khoa giúp ông có một địa vị trọng yếu trong nhi khoa lịch sử Trung Quốc. Đối với sự phát triển của khoa nhi trong nền y học Trung Quốc, ông đã có sự cống hiến nhất định.