Trần Niệm Tổ, tự Tu Viên, lại tự Lương Hữu, hiệu Thận Tu, người Phúc Kiến, Trường Lạc, Khê Mỹ, là thầy thuốc trứ danh đời Thanh, vừa là nhà giáo dục y học. Tổ phụ của ông, Trần Cư Lang (tự Thiên Bật) là một Nho y. Ông mồ côi cha sớm, từ nhỏ theo ông nội học kinh sư luyện thi và học y. Ông thông minh ham thích đọc sách. Năm 24 tuổi, ông hành nghề y tự nuôi sống. Vì thời ấy, địa vị trong xã hội của thầy thuốc thấp hèn nên ông vừa làm thầy thuốc vừa luyện thi. Niên hiệu Càn Long năm thứ 57 (1792) ông thi Hương đỗ, năm sau đến kinh thi Hội, không đỗ, ông ở lại kinh sư làm thầy thuốc.
Lúc ấy, quan Lang trung bộ hình là Y Vân Lâm bị chứng trúng phong bất tỉnh nhân sự, tay chân không cử động được, cơm canh không dùng được đã hơn 10 ngày. Danh y ở kinh đều cho là bất trị. Ông chỉ cho uống hai thang thuốc, cứu sống được, nổi tiếng một thời, ngày nào cũng có người đến xin chẩn trị. Năm sau, Tể tướng Hòa Khôn mắc bệnh đau chân, không đi chầu được. Ông được mời đến chẩn trị. Ông lấy da chó sống đắp thuốc ở chỗ đau; trong vòng 10 ngày, chân hết đau. Hòa Khôn sợ bệnh tái phát, ra lệnh cho ông ở luôn tại nhà mình, phong chức Thái y viện. Ông từ tạ không nhận, mượn cớ bệnh bỏ về nhà. Thế là mang tội với nhà quyền quý luôn hai năm không dám đến kinh thi Hội. Đến niên hiệu Gia Khánh năm thứ 5 (1800), Tể tướng họ Hòa làm việc sái quấy bị cách chúc, ông mới đến kinh ứng thí. Năm Gia Khánh thứ 6, ông làm chức Bảo Dương (nay là Bảo Định). Năm này, mưa to thành lụt. Ông đi cứu lụt ở Hằng Sơn, làm việc quá sức, nhiễm chứng hàn nghịch cơ hồ mất mạng.
Sau nhờ tự ra đơn thuốc uống mới khỏi. Không lâu sau, vùng ấy có bệnh ôn dịch lưu hành, nhân dân vì uống lầm thuốc chết rất nhiều. Ông đau xót nghĩ rằng vấn đề ‘y học phổ cập’ (thuốc trị bệnh thông thường) là cần thiết, bèn sưu tập cả 108 phương thuốc, biên soạn thành ca quyết (bài thuốc có vần dễ nhớ), sao ra nhiều bản phát cho thầy thuốc các nơi, theo phép chẩn trị, cứu sống rất nhiều người. Niên hiệu Gia Khánh năm thứ 24, tuổi già, ông về quê ở vùng Tung Sơn, dựng nhà cỏ dạy học thuốc, học trò rất đông. Niên hiệu Đạo Quang, năm thứ 3 (1828), vào thượng tuần tháng ba, ông có một mụt nhọt ở bên hông phải, đau nhức như dao cắt, đến tháng tám, ăn ngủ đều không được, ông qua đời.
Ông viết rất nhiều sách. Học nghề chính tông, ông tinh thông ‘Linh Khu’, 'Tố Vấn’, tôn sùng Trương Trọng Cảnh; ông là nhân vật điển hình của phái tôn kinh sùng cổ. Ông phản đối học thuyết xét lại ‘Thương Hàn Luận’. Để xiển dương học thuyết của Trọng Cảnh, ông biên soạn ‘Kim Quỹ Yếu Lược Thiển Chú ',‘Kim Quỹ Phương Ca Quát’, ‘Thương Hàn Luận Thiển Chú ', ‘Trường Sa Phương Ca Quát’, ‘Thương Hàn Chân Phương Ca Quát’, ‘Thương Hàn Y Quyết Xuyến Giải’. Ông tự cho là có trách nhiệm kế thừa, phát huy nền y học Trung Quốc. Cả mấy mươi năm như một ngày, ông luôn dùng văn tự thông thương dễ hiểu để giải thích y lí xưa, sâu, kín, khó hiểu của Trung y giúp lớp người sau tiến vào tòa nhà y học. Ông đã cống hiến lớn lao cho nền y học cổ truyền Trung y. Ông bệnh mất năm 1828, hưởng thọ 70 tuổi.