Người Trường An, đời Đường (nay là Thiểm Tây, Tây An), không tìm được tên họ thật. Vì ông là một đạo nhân, cho nên người đời sau gọi là Lận đạo nhân. Tuổi già, ông ẩn cư ở Chung Thôn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây, là một thầy thuốc cốt khoa. Ông có soạn một quyển sách về ‘Cốt Thương Khoa’ trước nhất hiện còn đến ngày nay, tên là ‘Tiên Thụ Lý Thương Tục Đoạn Bí Phương’. Sách này còn có tựa ‘Lý Thương Tục Đoạn Phương’, ‘Lận Đạo Nhân Tiên Thụ Lý Thương Tục Đoạn Phương’, trọn bộ một quyển chia làm hai phần: ‘Y Trị Chỉnh Lý Bổ Tiếp Thứ Đệ Khẩu Quyết, và ‘Hựu Trị Thương Tổn Phương Luận’ Phần thứ nhất luận thuật thủ pháp sửa xương, thứ tự làm việc và thuốc trị, nội dung bao quát các việc: rửa sạch xương gãy, trình độ tổn thương, phán đoán sau khi thương lành, thủ pháp sắp xương, khâu may da ngoài, cầm máu bôi thuốc, băng bó cặp gỗ, đắp thuốc, tập luyện cử động, v.v... Các phép tắc trị tương đương thời có được một mức học thuật nhất định và có tính khoa học, như trị gãy xương thì trước hết dùng nước chín rửa sạch vết thương và các miếng xương, sau đó dùng dao bén mổ rộng ra, sắp xương gãy liền lại; xương gãy làm rách da thịt, rắc thuốc bột lên rồi khâu may lại. Cuối cùng, dùng lụa sạch băng bó lại thật kín. Như thế đủ thấy rằng thời ấy đã nhận thức ý nghĩa trọng yếu tiêu độc của nước nấu sôi, và cách xử lý thương tích cũng phù hợp với nguyên tắc trị liệu đời nay.
Sách này cũng đề cập là sau khi xương đã được tiếp nối lại, cánh tay, cánh chân đau phải tập hoạt động thích hợp, ‘phàm các bộ phận co chuyển như cổ tay, ngón
tay, bắp tay, phải năng chuyển động mới được’ để xúc tiến khôi phục công năng của bộ phận bị tổn thương. Nguyên tắc này đến ngày nay lâm sàng vẫn rất xem trọng. Sách này lại còn lần đầu tiên miêu tả sai khớp xương bàn tọa, chia ra hai loại hình ‘trật ra trước và trật ra sau, áp dụng phép ‘tay kéo chân đạp’ trị liệu xương bàn tọa trật ra sau (lợi dụng nguyên lý đòn bẩy), áp dụng phép ‘ý bối phục vị’ sửa trật xương bả vai (dựa lưng vào ghế). Ngoài ra, sách còn giới thiệu nhiều về kinh nghiệm dùng thuốc trị tổn thương xương nội ngoại, làm cơ sở lý luận cho đời sau dùng thuốc.
Sách có chép 45 phương thuốc, đều rất công hiệu, trong đó không ít phương trứ danh, như ‘Tứ Vật Thang’, vẫn được lâm sàng đời nay ứng dụng.
Tóm lại, sách ‘Tiên Thụ Lý Thương Tục Đoạn Bí Phương’ ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển khoa cốt thương đời sau. Sách này là căn bản cho khoa cốt thương của Trung
Quốc ở các mặt biện chứng, lập pháp, xử phương và dụng dược.