Đường Thận Vi, tự là Thẩm Nguyên, nguyên người Tấn Nguyên, Thục Châu (nay là Sùng Khánh, Tứ Xuyên), sau dời chỗ ở đến Thành Đô. Ông là nhà dược học trứ danh đời Bắc Tống, có viết quyển sách lớn về dược vật học tựa là ‘Kinh Sử Chứng Loại Bị Cấp Bản Thảo’ (gọi tắt là ‘Chứng Loại Bản Thảo’). Ông là con nhà thầy thuốc, y thuật tinh thâm, sở trường về kinh mạch, đương thời rất nổi tiếng. Tướng mạo ông xấu, cử chỉ hành động chất phát, không giỏi ăn nói, nhưng tư duy rất mực mẫn tiệp. Ông trị bệnh cho người ‘trăm lần không sai một’, nói về bệnh chứng, chỉ vài lời vắn tắt, ai nói nhiều thì giận không trả lời. Nhưng đối đãi bệnh nhân, không khi nào phân biệt sang hèn, hễ rước mời thì đến ngay, lại không kể trời nóng, lạnh, mưa, tuyết.
Niên hiệu Nguyên Hựu (1086-1098), cha của Đại quan Tiến sĩ Vũ Văn Hư Trung là Vũ Văn Bang Ngạn mắc chứng phong độc, rước ông chẩn trị. Ông trị bệnh như thần, cho uống một thang thì mạnh. Nhưng ông dự liệu bệnh này còn có thể tái phát, bèn viết trước một phong thư, dặn đến lúc nào thì mở thư để ứng phó. Đến đúng kỳ, quả nhiên bệnh cũ của Bang Ngạn tái phát, xé phong thư xem, thấy có 8 đơn thuốc: đơn thứ nhất trị phong độc tái phát, đơn thứ hai trị phong độc tấn công, đơn thứ ba trị hơi thở nhanh muốn làm cho người bệnh ho suyễn. Bang Ngạn y theo lời dặn trong thư dùng thuốc, nửa tháng thì khỏe mạnh.
Trong lúc hành nghề, ông có một qui củ: xem mạch cho người hay chữ thì không lấy tiền, chỉ yêu cầu họ giúp đỡ bằng cách sưu tập giùm các toa thuốc bí truyền danh tiếng. Nhóm văn sĩ mỗi khi đọc kinh, sử, tử tập, thấy có một tên thuốc, một toa thuốc hay đều sẵn lòng chép cho ông. Ông còn đi thăm hỏi nhân dân quần chúng, học hỏi với các thầy lang giang hồ và ông già bà cả ở thôn quê, sưu tập trong dân gian các toa thuốc gia truyền và các mẫu cây thuốc. Làm như thế, tri thức của ông về bản thảo học phong phú hơn lên; Ông tích lũy một số lượng lớn tư liệu của các đời trước và trong dân gian, có một cơ sở tốt lành để biên soạn quyển ‘Chứng Loại Bản Thảo’. Quyển ‘Chứng Loại Bản Thảo’, tổng kết toàn diện những thành tựu về dược vật học từ đời Bắc Tống trở về trước, là dựa trên cơ sở quyển ‘Gia Hựu Bản Thảo’ và quyển ‘Đồ Kinh Bản Thảo’, gom góp thêm tư liệu trong kinh sử, truyện ký, sách Phật, sách Đạo có liên quan đến y dược, và kinh nghiệm dân gian mà viết nên, đã mở đầu trong việc chép lại các phép bào chế thuốc và các đơn thuốc của người đi trước, làm quyển mẫu mới về bản thảo học. Quyển ‘Chứng Loại Bản Thảo’ chiếm một địa vị trọng yếu trong dược học sử Trung Quốc. Đời sau nhìn nhận rằng quyển sách này là quyển ra đời trước quyển ‘Bản Thảo Cương Mục’ của Lý Thời Trân đời Minh, là quyển viết về dược vật học tối trọng yếu có tác dụng làm nhịp cầu ‘thừa tiền khải hậu (nhận của đời trước, trao lại cho đời sau). Từ ngày quyển sách ra đời, lưu hành suốt năm trăm năm, trình độ học thuật của sách vượt xa các loại bản thảo do triều đình cho lưu hành đương thời, vì vậy mà sách được triều đình Tống xem trọng. Trong thời gian các niên hiệu Đại Quan, Chính Hòa, Thiệu Hung, triều đình sai quan ba lần tu đính quyển ‘Chứng Loại Bản Thảo’ để cho lưu hành như là một ‘dược điển’ do quan biên soạn. Lý Thời Trân đánh giá rất cao quyển ‘Kinh Sử Chứng Loại Bị Cấp Bản Thảo’ của Đường Thận Vi. Về sau, Lý Thời Trân biên soạn quyển 'Bản Thảo Cương Mục’ cũng lấy quyển của họ Đương làm bản gốc. Trong bài tựa của quyển ‘Bản Thảo Cương Mục’, Lý Thời Trân nói: ‘Dẫn dụng sách y có đến 84 nhà, riêng theo Đường Thận Vi là phần lớn’, lại nói: ‘Làm cho bản thảo của các y gia và các đơn thuốc ‘nêu gương thiên cổ’ không hề mai một, đều là công của họ Đường’.