Đổng Phụng, tự Quân Di, người Hầu Quan (nay là Phúc Kiến, Mân Hầu), là y học gia trứ danh đời Tam Quốc, cùng hàng với Trương Trọng Cảnh và Hoa Đà (Nguyên Hóa), được mọi người gọi là ‘Kiến An Tam Thần Y’.
Đổng Phụng hành nghề y lâu năm ở vùng Giang Tây, Quảng Đông, y thuật tinh thâm, siêu quần, gặp bệnh cho toa dùng thuốc lần nào cũng hiệu nghiệm. Theo lời truyền, có một lần Thứ sử Giao Châu (nay là Việt Nam, Hà Nội) Sĩ Nhiếp ăn trúng độc hôn mê bất tỉnh. Ngươi nhà mời nhiều thầy thuốc trị bệnh ba ngày, bệnh nhân không tỉnh, rất nguy cấp. Nghe tin danh y Đổng Phụng đến Giao Châu, người nhà lập túc rước đến chẩn trị. Xem mạch xong, Đổng Phụng lấy thuốc hoàn do mình tự chế đổ vào miệng bệnh nhân. Bệnh nhân không lâu tỉnh lại. Từ đó, danh tiếng càng lớn, xa gần thiên hạ đến tìm thầy càng ngày càng nhiều, Đổng Phụng tiếp không kịp.
Về sau, ông đi Giang Tây, ẩn cư ở trong núi Lư Sơn. Đổng Phụng xem mạch không lấy tiền, chỉ yêu cầu bệnh nhân khỏi bệnh trồng cây hạnh xung quanh nhà ông, bệnh nặng trồng năm cây, bệnh nhẹ trồng một cây. Làm như thế, sau mấy năm, xung quanh nhà ông có đến trên mười muôn cây hạnh, thành ra một rừng hạnh xuân thôi. Ông lấy quả hạnh đổi lấy lương thực cứu giúp người nghèo, rất được nhân dân mến chuộng.
Mỗi độ xuân về, hoa hạnh nở rộ, xuân sắc đầy vườn, người ta nhớ đến Đổng Phùng, nhớ đến sự tích của ngừơi thầy thuốc lấy sự cứu giúp người làm lẽ vui sống, xưng tụng ông là ‘Hạnh Lâm Xuân Noãn’ (Xuân ấm rừng hạnh), ‘Dự Mãn Hạnh Lâm’ (tiếng tăm dầy rừng hạnh). Ngươi đời sau vì tích này mà gọi giới y học là ‘hạnh lâm’. Đối với ngươi thầy thuốc y thuật cao minh, y đức cao thượng, người đời dùng các câu ‘Dự Mãn Hạnh Lâm’, ‘Hạnh Lâm Xuân Noãn’ để khen tặng, đều là do điển cố này mà ra.