Vưu Di, tự Tại Kinh, hiệu Chuyết Ngô, cuối đời hiệu là Tự Hạc sơn nhân, người Trường Châu (nay là Giang Tô, Tô Châu), là danh y đời Thanh. Tiền bối của ông giàu có, ruộng hơn nghìn mẫu, nhung đến đời ông gia cảnh suy sụp, nghèo khó đến phải đi bán chữ ở cửa chùa để mưu sinh. Nhưng ông rất hiếu học, đọc rộng sách vở, ra công học thi từ, giao du mật thiết với nhóm văn nhân học sĩ' trứ danh Thẩm Đức Tiềm, lại từng theo học y với danh y Mã Thích. Họ Mã là học trò của hai danh y thời Minh mạt Thanh sơ Lý Trung Tử và Dụ Xương, có danh tiếng, người theo học rất đông, lúc tuổi già thu được học trò Vưu Di rất vừa ý, nói với người vợ: ‘Ngày nay, ta được một học trò hơn cả nghìn muôn người đó’. Ông đóng cửa đọc sách, y đạo càng tinh thâm. Buổi đầu, ông hành nghề, thanh danh chưa lớn, về sau trị bệnh cho người hiệu nghiệm khác thường, vang danh ở đời.
Ông cả đời không ham danh lợi, ẩn cư ở Hoa Khê, hành nghề, lúc rỗi thì đọc sách, tưới hoa, sống vui, đồng thời soạn thuật. Ông đặc biệt tôn sùng học thuyết của Trọng Cảnh, nghiên cứu sâu xa để viết các sách ‘Thương Hàn Quán Châu Tập’, ‘Kim Quỹ Yếu Lược Tâm Điển’, ‘Kim Quỹ Dực có ảnh hưởng lớn đối với trước tác của hậu thế. Ngoài ra còn có biên soạn ‘Y Học Độc Thư Ký’ và ‘Tĩnh Hương Lâu Y Án’. Trong bộ ‘Thương Hàn Quán Châu Tập’ 8 quyển, trên cơ sở lãnh hội sâu sắc tôn chỉ của Trọng Cảnh, dựa theo qui luật biện chứng luận trị, đột xuất phép tắc trị liệu, ông áp dụng phương pháp nghiên cứu ‘án pháp loại chứng ‘,đem 397 phép, 113 phương của Trọng Cảnh qui nạp phân loại. Giáo thụ Nhiệm Ứng Thu đánh giá công trình nghiên cứu của Vưu Tại Kinh như sau: ‘Siêu thoát hơn cả Phương (Hữu Chấp) và Dụ (Xương), không lấy phong thương vệ, hàn thương doanh ấn định nhãn mục, đề cương xiết lãnh, minh biện đại pháp, thiên đầu vạn tự, tổng qui nhất quán’. Sách này luôn được công nhận là bộ sách chú thích về bệnh thương hàn có ảnh hưởng tương đối lớn. .
‘Kim Quỹ Yếu Lược Tâm Điển’, còn gọi ‘Kim Quỹ Tâm Điển’ là do khi nghiên cứu sách của Trọng Cảnh, ông tâm đắc và phát huy, lời chú thích của ông giản minh ách yếu, ngành thớ trong sáng, lại có đính chính một số sao chép sai lầm, lược bớt ba thiên chót, và ngươi sau có thêm vào một số nội dung, có nhiều kiến thức. Đây là một bộ có ảnh hưởng cực lớn trong số các bộ chú thích ‘Kim Quỹ’, luôn được học giả xem trọng. 'Kim Quỹ Dực’ là ông biên soạn để bổ sung sách ‘Kim Quỹ Tâm Điển’ của mình, trong sách nêu ra 48 môn nội khoa tạp bệnh, bình luận chứng trạng và phân tích phép trị liệu, bổ túc chỗ thiếu của ‘Kim Quỹ Tâm Điển’, cũng được hậu thế xem trọng. Ông mất năm 1749, không rõ sinh năm nào.