31. BỆNH ĐẬU TẰM
Biện chứng đông y: Thấp nhiệt uẩn kết tì vị, khí huyết đều hư.
Cách trị: Thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thoái hoàng, ích khí sinh huyết.
Đơn thuốc: Sâm ngải thang.
Công thức: Điền ngải 60g, Đảng sâm 30g, Nhân trần 15g, Hòe hoa 15g, Đại hoàng 9g. Sắc uống mỗi ngày một thang, mỗi thang có thể sắc thành 200ml, chia 2 đến 3 lần mà uống. Người bệnh nặng có thể mỗi ngày uống hai thang, chia ra cứ 4 giờ uống một lần. Người nôn mửa có thể căn cứ hàn nhiệt mà châm chước thêm Trúc nhự, Hoắc hương, Sinh khương, Bán hạ, người ỉa chảy thì bỏ Đại hoàng.
Hiệu quả lâm sàng: Đã theo dõi có hệ thống việc điều trị bệnh này trên 18 ca, trong đó nam 16 ca, nữ 2 ca. Có 4 ca bệnh ở thể nặng, 6 ca thể vừa và 8 ca nhẹ. Bình quân thời gian đỡ sốt là 2,3 ngày, thời gian đỡ vàng là 2,1 ngày, huyết niệu chuyển thành âm tính là 2,1 ngày. Huyết sắc tố tăng, khỏi hoàn toàn và xuất viện.
Bàn luận: Bệnh đậu tằm thường quen gọi là bệnh Hồ đậu hoàng, là một loại thiếu máu dung huyết do ăn phải đậu tằm tươi rồi sinh ra, một số bệnh nhân cũng có thể phát bệnh sau khi tiếp xúc với phấn hoa. Phần lớn người bệnh là trẻ em. Bệnh phát sinh trong mùa đậu tằm chín từ tháng 3 đến tháng 5, thường sau vài giờ hoặc vài ngày thì trẻ ăn đậu tằm xong đột nhiên bệnh phát. Biểu hiện lâm sàng là hoàng đản rõ rệt, chứng chủ yếu là bần huyết nghiêm trọng. Đây là ăn phải chất độc của đậu nên tổn thương tì vị, thấp nhiệt uẩn kết ở trung tiêu, gan không còn chức năng sơ tiết, thấp nhiệt nung nấu, thấp bại tì, nhiệt hại vị, nhiệt độc do dường vị lạc mà sang tim làm cho huyết dịch bại hoại, khí huyết khuy tôn mà thành ra. Trong bài có Điền ngải vị cam đạm tính bình có công năng thanh nhiệt lợi thấp mà không khắc phạt chính khí. Đảng sâm vị cam, tính ôn, ích khí sinh tân, ôn trung kiện tì, hai thuốc này cùng dùng là kiêm cố cả gốc lẫn ngọn. Nhân trần vị khổ, tính vi hàn, thanh nhiệt lợi thấp, trừ thấp lợi hoàng. Địa hoàng vị khổ tính hàn lợi thấp thoái hoàng, thanh nhiệt giải độc, hai vị này bổ sung cho cái bất túc của Điển ngải, Hòe hoa vị khổ, tính vi hàn, có tác dụng lương huyết chỉ huyết, dùng trị phần ngọn. Phối hợp các thuốc, cũng có công năng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thoái hoàng bổ khí kiện tì, lương huyết chỉ huyết nên đạt được mục đích điều trị. Người bệnh nặng không ăn được thì có thể cho thêm một ít dịch bổ. Người có hiện tượng trúng độc acid thì có thể cho một lượng dung dịch kiềm thích hợp.