Ngay sau ngày hòa bình lập lại, năm 1954 Hồ Chủ Tịch đã ký sắc lệnh thành lập “ Viện khảo cứu và chế tạo dược phẩm” – tiền thân của nền công nghiệp dược nước nhà. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dược phẩm của Việt Nam sản xuất còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu về thuốc. Phần lớn thuốc chữa bệnh trong thời kỳ này có được là nhờ sự giúp đỡ của các nước trong phe XHCN, đặc biệt của Liên Xô và Trung Quốc. Sau giải phóng năm 1975, chúng ta kế thừa một nền công nghiệp Dược lạc hậu và thiếu thốn thể hiện nền công nghiệp dược phẩm kém phát triển ở ba vấn đề: Máy móc cũ kỹ, lạc hậu; Nhân lực dược thiếu trầm trọng và nguyên liệu sản xuất gần như phải nhập khẩu hoàn toàn.Trong thời kỳ bao cấp chúng ta chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 500 thuốc thiết yếu, rất thiếu thuốc mới, biệt dược (phải nhập qua con đường kiều hối, quà tặng, phi chính thức, không giám sát được chất lượng).Cho đến đầu những năm 1990, nền công nghiệp dược nước nhà theo một số đánh giá của các chuyên gia đầu ngành: Thua kém các nước phát triển khoảng 50 năm. Thời gian này thuốc sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sử dụng cho người dân.
Từ giữa những năm 1990 cho đến nay, nhờ thay đổi cơ chế quản lý và tác động tích cực của cơ chế thị trường, nền công nghiệp dược Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Hàng loạt các dây chuyền sản xuất thuốc với công nghệ hiện đại đã được đầu tư,Đến tháng 6/2011 đã có 103 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt GMP-WHO trong đó có một vài nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP Châu Âu, GMP Nhật Bản ... sản xuất 919 triệu USD dược phẩm (số liệu đến tháng 12 - 2010); Những con số này minh chứng cho chất lượng thuốc nội bởi khi đạt chuẩn GMP nghĩa là thuốc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế từ nguyên liệu đầu vào, dây chuyền sản xuất, hệ thống kiểm nghiệm, kho bãi và cả khâu thực hành và phân phối thuốc tốt.Sau hơn 15 năm áp dụng GMP, hiện nay công nghiệp bào chế dược phẩm Việt nam đang tỏ ra có lợi thế cạnh tranh tương đối trong khu vực. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang nhắm tới các nhà máy dược phẩm Việt nam để tìm kiếm khả năng hợp tác trong lĩnh vực bào chế phù hợp với chiến lược chuyển công nghiệp bào chế sang Châu Á có nhiều lợi thế cạnh tranh (khả năng hấp thu công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại với chi phí rẻ hơn ở phương Tây, nhân lực có trình độ thích hợp nhưng chi phí rẻ tương đối so với chi phí nhân lực ở phương Tây...).
Hiện nay Việt Nam đã sản xuất được hầu hết các hoạt chất trong danh mục thuốc thiết yếu, gồm đủ các nhóm dược lý theo phân loại của WHO.Tuy ngành dược có sự phát triển nhưng lĩnh vực công nghiệp dược vẫn còn nhiều tồn tại, phát triển chậm, thiếu định hướng và chưa chủ động được thuốc sản xuất trong nước. Theo Bộ Y tế, mặc dù hiện nay, thuốc sản xuất trong nước đã chiếm khoảng 50% thị trường, nhưng có tới 90% nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu, công nghiệp dược Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là công nghiệp bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước còn phát triển tự phát, đầu tư trùng lặp, thiếu định hướng. Hậu quả là phần lớn doanh nghiệp tập trung sản xuất những loại thuốc thông thường, trong khi đó, có quá ít cơ sở đầu tư sản xuất các loại thuốc có dạng bào chế đặc biệt và thuốc chuyên khoa đặc trị.Tại hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp dược và đề xuất xây dựng pilot công nghiệp dược”, do sở Khoa học và công nghệ TP.HCM vừa tổ chức đã đưa ra nhận định: Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thị phần ngành công nghiệp dược của Việt Nam tăng trưởng cao (24%), tuy nhiên doanh số thu được gần như thấp nhất khu vực với 0,8 tỉ USD/năm, trong khi Trung Quốc (18,8 tỉ USD), Ấn Độ (7,6 tỉ USD), Philippines (2,3 tỉ USD).
Về nguồn nhân lực Dược Việt Nam - Nguồn nhân lực dược là đội ngũ làm việc cho lĩnh vực y dược học bao gồm các cán bộ chuyên môn dược đang tham gia phục vụ tại các cơ sở y tế từ tuyến trung ương đến tuyến cơ sở. - Các loại hình nhân lực dược: Ở Việt Nam, nhân lực dược đa dạng về loại hình bao gồm: Tiến sĩ Dược, Thạc sĩ Dược, Dược sĩ chuyên khoa, Dược sĩ đại học, Dược sĩ cao đẳng, Dược sĩ trung cấp, Dược tá, Công nhân kĩ thuật dược, Kỹ thuật viên dược.
Ngành Dược là ngành kinh tế - kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thực trạng nhân lực dược hiện nay là thiếu ở hầu hết các loại hình, đặc biệt là trình độ đại học, sau đại học. Phân bố nhân lực dược không đồng đều giữa các vùng miền và các lĩnh vực, tập trung quá nhiều vào lĩnh vực kinh doanh, phân phối.
Tỷ lệ trung bình dược sĩ đại học trong cả nước hiện đạt 1,76 dược sĩ đại học/10.000 dân. Con số này cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu mà Ðảng và Chính phủ đã giao cho ngành Y tế tại Quyết định số 153/2006/QÐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Tuy nhiên, phân bố dược sĩ rất không đồng đều, với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm đến 48,37% tổng số cán bộ dược có trình độ đại học trên cả nước.
Theo thống kê, mười tỉnh, thành phố phát triển là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An, Ðồng Nai, An Giang, Ðồng Tháp, Bình Dương đã chiếm 64,34% số lượng dược sĩ đại học. Trong khi đó, con số này đối với 10 tỉnh khó khăn là: Lai Châu, Ðiện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Cạn, Kon Tum, Ðắc Nông, Ðắc Lắc, Ninh Thuận thì chỉ có 2,84% tổng số dược sĩ.
Ðể đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, nhu cầu nhân lực dược nước ta ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo của sở y tế các tỉnh, thành phố, đến năm 2020 toàn ngành dược sẽ có nhu cầu hơn 25 nghìn cán bộ dược có trình độ đại học trở lên. Trong đó, riêng nhu cầu đối với dược sĩ đại học chiếm 85,63%; còn lại là nhu cầu đối với các nhân lực trình độ cao hơn như tiến sĩ, thạc sĩ, dược sĩ chuyên khoa I và dược sĩ chuyên khoa II chiếm 14,3%. Hiện nay, xét theo khía cạnh phân bố nguồn nhân lực dược, có thể thấy khối các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược tiếp tục thu hút nhiều dược sĩ hơn so với khối cơ quan hành chính, sự nghiệp như các sở y tế, trung tâm y tế, bệnh viện hay viện nghiên cứu. Số lượng cán bộ dược tham gia vào quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối thuốc dự kiến lên tới hơn 16.000 người, chiếm gần hai phần ba tổng số nhu cầu của toàn ngành. Ngoài ra, với hệ thống phân phối thuốc ngày càng được mở rộng cũng sẽ thu hút hơn 7.000 dược sĩ tham gia trực tiếp vào công tác cung ứng thuốc tại các nhà thuốc đạt chuẩn Thực hành tốt phân phối thuốc (GPP).
Nhằm bổ sung đủ nhân lực lĩnh vực dược chỉ có cách duy nhất là tăng cường đào tạo. Chủ trương chung của Bộ Y tế là mở rộng mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung học dược trên toàn quốc. Nhất là tại khu vực còn gặp nhiều khó khăn trong khâu thu hút nhân lực dược như: Tây Bắc, Ðông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung, Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Nhà nước gắn đào tạo dược theo địa chỉ, đào tạo hệ cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu đào tạo theo từng địa phương để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dược tại chỗ. Như vậy sẽ giải quyết được tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực giữa các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Mục tiêu của đề án phát triển nguồn nhân lực dược là đến năm 2020, hơn 90% số giảng viên đại học và hơn 70% số giảng viên cao đẳng dược có trình độ sau đại học, hơn 75% số giảng viên đại học và 20% số giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ; hơn 50% số giáo viên trung cấp có trình độ sau đại học. Các trường đại học dược cần mở rộng hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo uy tín nước ngoài, tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong nước và quốc tế. Phấn đấu trong tương lai, các cơ sở đào tạo dược trong nước sẽ công bố được nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên các Tạp chí dược có uy tín, sánh ngang tầm với các nước trong khu vực. -> Tìm hiểu về bài thuốc đặc trị bệnh trầm cảm và rối loạn tâm thần từ trung tâm phát triển dược liệu Châu Á |
Bài viết khác |
Trà bát bảo giải nhiệt mùa hè |
Các bài thuốc hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết |
Người mất ngủ nên ăn gì ? |
Thực đơn tốt cho sĩ tử vượt vũ môn |
Món ăn thuốc hỗ trợ trị mề đay |
Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 |