50. CHỨNG THÍCH ĂN DẤM
Biện chứng đông y: Can vượng thấp trệ, tì khí không tuyên thông được.
Cách trị: Sơ can kiện tì, khu thấp tiêu giải.
Đơn thuốc: Sơ kiện can tì khu thấp phương.
Công thức: Sài hồ 4,5g, Dĩ nhân 30g, Bạch truật 15g, Sơn tra 30g, Mộc hương 4,5g, Hoàng cầm 9g, Thương truật 9g, Bạch đậu khấu 9g, Đại phúc bì 9g, Phục linh 9g, Hạnh nhân 9g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Hiệu quả lâm sàng: Lôi X X, nam, 66 tuổi, nông dân, quanh năm lao động chuyên cần, ăn uống tốt, thể chất cường tráng, duy chỉ có tính tình nóng nảy dễ nổi cáu, thích ăn chua, thường ăn dấm với cơm, mỗi bữa ăn tới 250g, mà có lúc chỉ uống không dấm bỗng cả nửa kilô, sức ăn chua gấp mấy chục lần người khác, nếu không thì tinh thần mệt mỏi, người không có sức như đang bệnh nặng. Một hôm bệnh nhân đầy bụng nhịn ăn xin đến chuẩn trị, khám thấy mặt đỏ, da khô mà dày chắc. Khám tim, phổi, gan bình thường, lách sờ thấy mấp mé bờ sườn, huyết áp 148/98mm Hg. Chất lưỡi đỏ, rêu bẩn, mạch huyền hoạt. Kết luận và lập pháp theo can vượng thấp trệ, tì khí không tuyên thông. Cho dùng “Sơ kiện can tì khu thấp phương”. Uống được 5 thang các chứng đều hết, không thích ăn dấm nữa. Bình phục như người thường.
Bàn luận: “Nội kinh, thiên Ngũ tạng sinh thành” nói: “Ăn chua nhiều ắt thịt chai dày mà lộ ra môi”. Bệnh nhân này từ nhỏ đã ăn nhiều vị chua, tình trạng giống như người xưa nói “da dày mà co” tức là chua có thể ích can mà thắng tì, tì thương tổn ắt thịt da co và lộ rõ ở da môi”. Lại nóng nảy hay cáu là đặc tính chung của những người thích ăn chua, dùng phép sơ can kiện tì, khu thấp tiêu giải có thể thấy tác dụng rõ rệt.